5 thay đổi cần lưu ý trong Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn điện tử
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 11 năm 2019.
Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Để việc sử dụng hóa đơn điện tử được chính xác và tuân thủ theo đúng các quy định pháp lý, có một số điều thay đổi giữa Thông tư 68/2019/TT-BTC so với các văn bản cũ về quy định hóa đơn điện tử và hóa đơn đỏ, Đức Minh Consulting (“ĐMC”) xin tóm gọn lại 5 thay đổi cần lưu ý, như sau:
1. Vể thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với cung cấp dịch vụ: đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Thời điểm lập hóa đơn điện tử xác định theo ngày ký điện tử: vấn đề này đang gây ra khó khăn cho một số doanh nghiệp có lượng hóa đơn lớn cần xuất trong ngày. HIện các công ty cung cấp hóa đơn điện tử đang hỗ trợ cho khách hàng: ngày hóa đơn và ngày ký trên hóa đơn điện tử là cùng một ngày (ví dụ: hóa đơn xuất ngày 31.03 tới ngày 04.04 mới ký điện tử, thì phần chữ ký điện tử, vẫn sẽ thể hiện NGÀY KÝ ĐIỆN TỬ LÀ 31.03)
3. Trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua.
4. Phát hiện sai sót trên hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua:
a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn.
b) Trường hợp có sai về mã số thuế, về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn…số hóa đơn…, ngày… tháng… năm”. Người bán ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua.
Trường hợp dữ liệu hóa đơn điện tử có sai sót đã gửi cơ quan thuế thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP) và gửi dữ liệu hóa đơn điện tử mới (nếu có).
5. Sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử thay thế hóa đơn thương mại khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng cho hàng hóa xuất khẩu (ngày xuất hóa đơn là ngày xong thủ tục hải quan xuất khẩu).